Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Ẩm thực3 tháng trước đăng Hannah
35 0

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Những thông tin về Lươn

Lươn được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Trong Đông Y lươn có nhiều vai trò trong việc cải thiện tình trạng bổn hư tổn, khu phong trừ thấp…

Thịt lươn được biết đến như loại thực phẩm có giá trị cao được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều món ngon từ lươn, chẳng hạn như cháo lươn, miến lươn, gỏi lươn…. Trong 100 gam thịt lươn có thể chứa khoảng 18.7gam protein, 0.9 gam chất béo, 150 miligam Phospho, 39 miligam Canxi, 1.6 miligam Sắt, vitamin A, vitamin D các vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 và vitamin PP hay trong 100g thịt lươn gồm có 0,05g cholesterol và 285 calo. Ngoài ra, thịt lươn còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác đều có lợi cho sức khỏe. Khi so sánh lươn với các loại thịt như hến, tôm đồng, cua đồng, thì thịt lươn được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ.

Những lợi ích của thịt lươn đối với sức khỏe

Trong Đông y thịt lươn có tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Chức năng của thịt lươn đối với cơ thể giúp bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt. Sử dụng thịt lươn cho các trường hợp lao thương khí huyết, phong hàn thấp tý, hậu sản băng huyết, hội chứng lỵ xuất huyết, trĩ xuất huyết, hay suy nhược cơ thể. Ăn lươn có tác dụng gì? Sử dụng lươn với liều lượng khoảng 200 đến 500 gam với nhiều cách chế biến khác nhau giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương cũng như điều hoà khí huyết. Theo một số tài liệu nước ngoài, thịt lươn được sử dụng với cách như lươn hấp cơm như một món ăn có vị thuốc phổ biến sử dụng để chữa chứng vàng da – bệnh hoàng thống. Hay sử dụng món thịt lươn nấu ngó sen giúp chữa các triệu chứng như rong kinh, băng huyết. Thịt lươn cuốn lá lốt nướng còn có tác dụng chữa tê thấp. Còn thịt lươn hầm với đỗ đen có tác dụng bổ thần kinh. Khi ninh nhừ thịt lươn với mề gà cho trẻ sử dụng có thể giúp trị bệnh cam tích ở trẻ em.

Cách làm lươn om chuối đậu

Chuẩn bị nguyên liệu

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông
  • 500 gr lươn đồng
  • 200 gr thịt ba chỉ
  • 50 gr bì lợn (tùy chọn)
  • 6 quả chuối xanh
  • 4 miếng đậu phụ
  • 4 củ hành khô
  • 4 tép tỏi
  • 1 nhánh nghệ tươi
  • Rau thơm: lá lốt, tía tô, hành lá
  • Gia vị: Mắm, muối, mẻ, mắm tôm, hạt nêm, ớt
  • Dầu ăn

Sơ chế, chuẩn bị

Bí quyết để tạo nên món ăn lên màu vàng mơ, nước om sóng sánh tự nhiên như ngoài hàng chính là sốt mẻ, nghệ và chút bì lợn. Sốt mẻ tạo màu vàng đẹp mắt: nghệ tươi rửa sạch, cạo vỏ rồi đem xay mịn với 3 thìa canh mẻ ngấu. Sốt chuối tạo độ sánh bùi: luộc 2 quả chuối xanh cùng chút mẻ nghệ rồi bóc bỏ vỏ, đem xay nhuyễn. Sốt bì lợn (tùy chọn) tạo thêm độ béo, keo: Bì lợn cạo sạch lông, luộc chín và xay nhuyễn cùng chút nước. Hành, tỏi bóc bỏ vỏ, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt riêng ướp lươn cho thấm, giữ lại phần xác.

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

4 quả chuối xanh còn lại thì tước vỏ, giữ lại lại vỏ. Cắt đôi quả chuối rồi thái con chì hoặc thái vát chéo ngâm vào nước muối loãng pha chút nước cốt chanh cho không bị thâm.

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Đậu phụ cắt miếng vuông, rán vàng giòn. Chuối vớt ra, đem luộc sơ với chút nghệ giã cho lên màu đẹp, rồi tận dụng dầu chiên đậu thì chiên sơ cho chuối săn và khi nấu giữ miếng, không bị nát.

Thịt ba chỉ thái miếng con chì, đảo cho xém vàng.

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Lươn đồng mua về cho vào túi bóng dày, thêm chút muối hạt buộc kín để lươn quẫy ra hết tanh nhớt. Sau đó chà xát chanh, rửa sạch, mổ bụng bỏ ruột, thấm khô và cắt khúc vừa ăn. Ướp lươn với nước cốt hành tỏi cùng 2 thìa cà phê mắm, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1/2 thìa cà phê hạt nêm đảo đều ướp trong 15 phút. Sau đó, xào săn cho lươn thấm vị, múc ra để riêng. Các loại rau thơm (lá lốt, tía tô, hành lá) rửa sạch, thái nhỏ.

Chế biến lươn om chuối đậu

Phi thơm hành tỏi, cho thịt ba chỉ, chuối cùng chút mắm tôm đảo cho thấm vị. Sau đó, cho nước sôi vào, hớt bỏ bọt, nêm nếm mắm, muối. Trút hỗn hợp sốt mẻ nghệ, sốt chuối và sốt bì lợn rồi hạ lửa nhỏ, đậy vung đun cho tới khi thịt chuối mềm theo ý muốn. Tiếp tục cho lươn và đậu vào om tiếp cho thấm vị. Khi nước rút bớt, hơi sánh lại thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Thêm lá lốt, tía tô, hành lá, ớt vào rồi múc ra ăn nóng.

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Yêu cầu thành phẩm

Thịt lươn thơm mềm, thịt ba chỉ béo ngậy, đậu phụ bùi bùi, nước vàng mơ sóng sánh. Món này thích hợp ăn nóng cùng cơm trắng, bún nhất là vào tiết trời lạnh.

Lươn om chuối đậu nóng hổi ngày đông

Chú ý:

  • Có nhiều phương pháp dân gian sơ chế nhớt tanh từ lươn như dùng tro bếp, muối hạt, chanh. Một số đầu bếp hiện đại thì dùng dầu ăn để sơ chế.
  • Lươn sau khi sơ chế, rửa sạch, mổ bụng bỏ ruột thì không rửa lại vì sẽ làm món ăn bị tanh và mất chất bổ từ máu lươn.
  • Đậu phụ nên rán vàng giòn để khi om giữ nguyên miếng.
  • Lươn mang tính hàn nên cần các gia vị ấm nóng cân bằng lại như tỏi, hành, nghệ.
  • Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh mẻ cho vừa miệng.

 

© Bản quyền tuyên bố

Bài liên quan

Chưa có bình luận

Chưa có bình luận...