Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Du lịch2 tháng trước đăng emma
34 0

Cố đô Hoa Lư nằm tiếp giáp giữa huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên. Nơi đây rất gần với các danh lam thắng cảnh nức tiếng Ninh Bình như Tuyệt Tình Cốc, Chùa Bái Đính, Tràng An,… Trong dòng chảy lịch sử, Cố đô Hoa Lư từng in dấu các triều đại Đinh, Tiền Lê đến đầu nhà Lý.
Tương tự như nhiều di tích lịch sử lâu đời khác ở Ninh Bình, Cố đô Hoa Lư vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ của thời đại trước. Những bức tường kiên cố phủ đầy rêu phong sẽ cho ta hình dung về bao thăng trầm của lịch sử để thêm trân trọng núi sông, bờ cõi. Không những là một phần quan trọng của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Cố đô Hoa Lư còn là một quần thể kiến trúc vô cùng đặc sắc với lớp trầm tích hơn 30 nghìn năm tuổi. Tồn tại như một chứng nhân trong tiến trình hình thành đất nước, Cố đô Hoa Lư trở thành điểm đến mà du khách vô cùng quan tâm.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Lịch sử trong 42 năm Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là đế đô đầu tiên của nước ta, tồn tại trong 42 năm. Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968 – 980), 29 năm triều Tiền Lê (980 – 1009) và đầu nhà Lý (1009 – 1010).
Với địa thế đồi núi trùng điệp bao bọc xung quanh vành đai kinh đô như tấm bình phong vững chãi, cùng dòng Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn với hào sâu, Hoa Lư là vùng đất có giá trị cao về mặt quân sự. Chính tại vùng đất này, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt oai hùng, và Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị, đồng thời là đế đô đầu tiên của nước ta.
Đến thời vua Lý Thái Tổ, ông đã đưa ra quyết định dời dô lịch sử, và Hoàng thành Thăng Long chính là nơi được lựa chọn khi nhận ra kinh đô Hoa Lư chật hẹp, khó mở mang thành đô và không phù hợp với vị thế đất nước lúc bấy giờ.
Chính quyết định mang tính chất lịch sử này đã kết thúc những tháng ngày Hoa Lư là vùng đất cố đô của nước ta. Tuy nhiên, hệ thống triều đình và cơ sở vật chất của Hoàng thành Thăng Long lúc bấy giờ đều thừa hưởng từ kinh đô Hoa Lư ngày trước. Tuy sau này các vua không sinh sống tại đây nữa, nhưng Cố đô Hoa Lư vẫn tiếp tục được xây dựng những công trình kiến trúc kiên cố với đền, chùa, đền thờ và được bảo tồn cho đến tận ngày nay.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Những công trình kiến trúc tiêu biểu nơi Cố đô Hoa Lư

Đền Thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Trải dài khắp hơn 1.000 năm lịch sử, những công trình di tích có ý nghĩa quan trọng nơi Cố đô Hoa Lư vẫn được bảo tồn và giữ gìn cho đến tận ngày nay. Nổi bật hơn cả là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành.
Tọa lạc nơi xã Trường Yên – vốn là trung tâm thành Đông của cố đô ngày trước – đền vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc tại vị thế cực kỳ lý tưởng: phía trước là núi Mã Yên, nơi mộ vua Đinh oai linh nằm đó ngắm nhìn vẻ đẹp non sông. Đền được khởi công xây dựng từ thời nhà Lý theo kiểu ‘nội công, ngoại quốc’, mô phỏng hình dáng của kiến trúc kinh đô xưa, sau đó được kiến thiết lại dưới thời Hậu Lê.
Là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của nước ta được xây dựng từ thế kỷ 17, đền vua Đinh Tiên Hoàng là quần thể bao gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, núi giả, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, Thiên Hương và hậu cung. Trong cùng là Hậu đặt tượng vua Đinh cùng các con trai ông. Ngày nay, nơi đền thờ vua vẫn còn đó những cổ vật quý báu như đôi voi chầu, cặp bảo vật long sàng đá (sập đá) được đặt ở vị trí Sân rồng, tạc hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối với những đường nét chạm khắc tinh xảo.
Không chỉ vậy, đền vua Đinh còn được trang trí bởi nhiều hình dáng, họa tiết chạm khắc tinh xảo trên những cột gỗ, đá với hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá, v.v Đây là những minh chứng rõ nét nhất thể hiện được sự tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân của thế kỷ 17 ngày trước.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Đền Thờ Vua Lê Đại Hành

Đền thờ vua Lê là một trong những di tích có giá trị tại Cố Đô Hoa Lư. Được xây dựng cùng thời với Đền Thờ Vua Đinh Tiên Hoàng vào thế kỷ 17, đền này mang trong mình nét kiến trúc khá giống với đền vua Đinh khi duy trì nguyên vẹn lối kiến trúc, điêu khắc của thời kỳ Hậu Lê.
Với ba toà gồm Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung, đền thờ vua Lê Đại Hành mang kiểu dáng thấp hơn, có những thanh xà, cột và bức đại tự sơn vàng tạo nên vẻ uy nghiêm cổ kính. Tòa Bái Đường có năm gian, trang trí ba tấm biển lớn sơn son thếp vàng. Trong đó, tấm biển ở gian giữa ghi dòng chữ “Trường Xuân Linh Tích”, tấm bên phải ghi “Dương Thần Vũ”, và tấm bên trái ghi “Xuất Thánh Minh”.
Tòa Thiêu Hương xây theo kiến trúc ống muống, thờ tứ trụ triều Tiền Lê. Cuối cùng, tòa Chính Cung với năm gian, tượng vua Lê Đại Hành được đặt trên bệ đá ở gian giữa. Gian bên trái có tượng hoàng hậu Dương Vân Nga, còn gọi là tượng Bảo Quang Hoàng Thái Hậu. Gian bên phải đặt tượng Lê Long Đĩnh, con thứ 5 của vua Lê Đại Hành và là vua thứ 3 của nhà Tiền Lê.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Đền Thờ Công Chúa Phất Kim

Đền thờ công chúa Phất Kim, còn được gọi là đền Thục Tiết Công Chúa, được xây dựng trong thế kỷ XVII, trong triều đại Lê Trung Hưng. Đền được đặt tại nền cung Vọng Nguyệt, nơi ở của công chúa Phất Kim.
Đền được xây dựng từ đá vôi và gạch. Cấu trúc đền thờ công chúa Phất Kim gồm nhiều tầng, mỗi tầng có cửa vào và cửa ra riêng. Bên cạnh đó, đền còn được trang trí bởi nhiều tác phẩm điêu khắc và họa tiết tinh tế đẹp mắt.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Hoa Lư Tứ Trấn

Hoa Lư Tứ Trấn là bốn vị thần được tôn vinh trong tín ngưỡng dân gian Ninh Bình, trấn giữ bốn hướng đông, tây, nam và bắc của cố đô Hoa Lư.
Tương truyền, các vị thần này có công giúp đỡ, che chở kinh đô Hoa Lư nên được vua Đinh Tiên Hoàng lập đền thờ ở 4 hướng cửa ngõ vào kinh thành. Phía đông là đền thờ thần Thiên Tôn, phía tây là đền thờ thần Cao Sơn, phía nam có đền thần Quý Minh, và ở cửa ngõ phía bắc là đền thần Không Lộ. Những ngôi đền thờ này không chỉ là biểu tượng của lòng tôn kính với thần linh, mà còn là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của cố đô Hoa Lư.

Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam-Cố Đô Hoa Lư

Những Điểm Tham Quan Nổi Tiếng Gần Cố Đô Hoa Lư

Hang Múa

Hang Múa hiện nay nằm dưới chân núi Múa, cách Hà Nội khoảng 100km, cách trung tâm thành phố Ninh Bình tầm 10 km. Điểm du lịch này nằm trong Quần thể si sản thế giới Tràng An, thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình.
Trong những năm trở lại đây, cái tên hang Múa dần trở thành một từ khóa hot hit được khách du lịch Ninh Bình vô cùng quan tâm. Ngoài ra, nơi đây còn được gọi là núi Ngọa Long do trên đỉnh núi có một bức tượng hình rồng nằm trải dài. Hang Múa là một trong những địa điểm check-in đầy tính nghệ thuật và được giới trẻ vô cùng yêu thích.
Bạn có thể tham quan hang Múa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm bởi điểm du lịch này luôn mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Ngoài ra, khi đến nơi đây vào tháng 5 đến tháng 6, bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng vô cùng đẹp mắt.

Tam Cốc – Bích Động

Là một phần trong Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc Bích Động Ninh Bình thuộc địa phận huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 100km về phía Nam. Sở hữu diện tích rộng rãi 350,3ha, danh thắng là tổ hợp các hệ thống hang động núi đá vôi cùng phong cảnh làng quê yên bình. Bên cạnh đó, quần thể du lịch này còn sở hữu một ngôi chùa Bích Động đậm đà lối kiến trúc truyền thống và những di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần ngày trước.

Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây của cố đô Hoa Lư. Nơi đây bao gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây dựng năm 2003. Với tuổi đời trên 1.000 năm, chùa mang kiến trúc cổ kính đặc trưng thời xưa. Khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận được không gian thanh tịnh và mát mẻ. Đi dọc hành lang tượng la hán, bạn sẽ thấy các khu vườn với nhiều cây xanh, đặc biệt là cây bồ đề mang về từ chùa Ấn Độ.
Chùa Bái Đính không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm du lịch tâm linh, sinh thái nổi tiếng với nhiều kỷ lục như: có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Thích Ca cao nhất và nặng nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á, và nhiều kỷ lục khác.

Khu Du Lịch Sinh Thái Tràng An

Khu du lịch sinh thái Tràng An là một trong những di sản “kéo” duy nhất nước ta được UNESCO công nhận, nằm trên địa phận thành phố Ninh Bình và 3 huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viên. Quần thể di sản ba gồm liên khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động – cố đô Hoa Lư – rừng đặc dụng Hoa Lư.
Trong quần thể rộng lớn ấy, cố đô Hoa Lư sẽ nằm ở phía Bắc, Tam Cốc – Bích Động tọa lạc ở phía Nam còn khu du lịch Tràng An sẽ nằm ở giữa, vị trí trung tâm. Khu du lịch chỉ cách Hà Nội chưa đầy 100km, cách thành phố Ninh Bình khoảng 7km. Chính vì vậy mà nơi đây đã được đông đảo du khách lựa chọn làm điểm dừng chân nghỉ dưỡng vào cuối tuần hoặc những dịp hè.
Khu du lịch sinh thái Tràng An là một vùng non nước, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và mây trời hòa quyện. Với diện tích trải rộng lên đến hơn 2000ha, quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An được tạo nên từ những dãy núi đá vôi hùng vĩ, các hang động kỳ ảo, cùng những thung lũng, sông hồ trùng điệp. Bên cạnh đó, những di sản văn hóa lâu đời cũng xuất hiện tại đây như đền thờ, chùa chiền, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo tạo nên một không gian đẹp nên thơ, huyền ảo, trữ tình.
Dòng nước nơi đây xanh ngát, soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Khu du lịch có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông nhau bởi 48 hang động. Trong đó có những hang xuyên thủy dài đến 2km như hang Địa, hang Mây, hang Sinh Dược. Mỗi hang đều mang một vẻ đẹp riêng, bên trong có nhiều nhũ đá biến đổi, tạo nên một bức tranh sinh động, “độc nhất vô nhị” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chùa Vàng Ninh Bình

Chùa Vàng Ninh Bình được xây dựng theo kiến trúc bát giác với 8 cạnh, mỗi cạnh tượng trưng cho một vị nguyên thần trong thời kỳ 12 sứ quân. Chùa Vàng thờ các vị nguyên thần như Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Nguyễn Thủ Tiệp, Ngô Xương Xí, Phạm Bạch Hổ, Kiều Thuận, Nguyễn Khoan và Đỗ Cảnh Thạc.
Điểm đặc biệt là toàn bộ kiến trúc của chùa được làm từ gỗ lim đen, với mái ngói theo phong cách cổ điển có hình ảnh mái đao với đuôi cong vút lên, tạo nên vẻ trầm mặc. Thiết kế của chùa cũng tạo ra không gian ba chiều, mang lại cảm giác thanh thoát và yên bình.

Ăn gì khi đến Cố đô Hoa Lư?

Cơm cháy

Là đặc sản quá nổi tiếng của Ninh Bình. Hạt cơm đều, giòn rụm, màu sắc vàng tươi, ăn kèm với nước sốt đặc biệt khiến du khách ăn mãi mà không có cảm giác ngán.

Thịt dê núi

Dê núi ở Ninh Bình được chế biến làm nhiều món ăn hấp dẫn như dê tái chanh, dê hấp, nem dê, tiết canh dê, nhựa mận… không chỉ ngon mà còn cực kỳ bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Ốc núi

Thịt ốc dai, giòn, ngọt được chế biến đa dạng: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…

Ngoài ra vẫn còn rất nhiều món ngon khác mà bạn có thể thử như: Nem Yên Mạc, miến lươn, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn…

Một số lưu ý khi tham quan

-Hoa Lư Ninh Bình là địa điểm du lịch tâm linh, vì thế khi đến đây bạn cần phải ăn mặc lịch sự, kín đáo. Đến thăm đền vua Đinh, vua -Lê các bạn cần phải nhẹ nhàng trật tự để giữ gìn sự tôn nghiêm cũng như thắp hương để tỏ lòng thành kính với các vị vua đã có công với nước.
-Cần phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của ban quản lý di tích hoặc hướng dẫn viên nếu đi theo đoàn.
-Phải vứt rác đúng nơi quy định, không được xả rác bừa bãi.
-Nếu tự đi thì bạn nên xem trước bản đồ để thuận tiện hơn cho chuyến hành trình khám phá của mình.
-Các bạn có thể trực tiếp trò chuyện với các cụ trong ban quản lý di tích đền để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, giá trị văn hóa, kiến trúc… của khu di tích.

© Bản quyền tuyên bố

Bài liên quan

Chưa có bình luận

Chưa có bình luận...