An Giang ở miền Tây Nam Bộ-Thế giới tự nhiên xanh

Du lịch2 tuần trước đăng emma
10 0

An Giang ở miền Tây Nam Bộ-Thế giới tự nhiên xanh

Điểm tham quan và vui chơi tại An Giang

Chợ nổi Long Xuyên

Nằm ở trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên bắt đầu từ phà Ô Môi và chạy dài 2km theo bờ sông Hậu. Vẫn chưa bị thương mại hóa du lịch, chợ nổi Long Xuyên vẫn giữ được nếp sinh hoạt xưa, bình dị và chân chất.
Bạn nên xuất phát từ 5:00 sáng để vừa ngắm bình minh, vừa cảm nhận được không khí rộn ràng của chợ nổi.
Một trong những hoạt động thú vị tại đây là dùng bữa sáng trên thuyền. Bạn có thể gọi bún, phở, hủ tiếu từ các cô, dì bán đồ ăn sáng ngay trên thuyền. Bên cạnh đó còn có thuyền bán nước, quà vặt, và không thể thiếu các thuyền trái cây, đặc sản.

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là một trong những rừng tràm lớn và đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích 845 ha, đây là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, bao gồm các loài chim và thú quý hiếm như điên điển phương Đông, giang sen, dơi chó tai ngắn.
Đến rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ đi tắc ráng (thuyền hoặc xuồng, ghe nhỏ làm bằng gỗ hình thoi, có gắn thêm máy) và xuồng ba lá để tham quan. Chiếc xuồng sẽ lướt đi trên mặt nước phủ đầy bèo xanh, xung quanh là những cây tràm trên 10 tuổi, cao từ 5-8m phủ bóng mát.
Thời điểm lý tưởng nhất để thăm rừng tràm là vào mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11). Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh độc đáo của những đàn chim bay về tổ.
Rừng tràm Trà Sư chính là địa điểm du lịch An Giang hàng đầu, giúp bạn có những phút giây hòa mình với thiên nhiên và hệ sinh thái độc đáo của vùng đất ngập nước.

An Giang ở miền Tây Nam Bộ-Thế giới tự nhiên xanh

Hồ Ô Thum

Hồ Ô Thum ở huyện Tri Tôn là một hồ nước nhân tạo, diện tích không lớn nhưng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành nên trở thành điểm nghỉ chân được yêu thích trong các kinh nghiệm du lịch An Giang.
Xung quanh hồ Ô Thum là những cây thốt nốt, xa xa là núi Cô Tô và đồi Tức Dụp, tạo nên khung cảnh sông núi hữu tình phủ màu xanh của cây lá. Đến đây, bạn có thể chèo thuyền vãn cảnh hồ, chụp hình check-in tại cây cầu nổi giữa bờ hồ và gò đất cao giữa hồ, và thưởng thức món gà nướng lá chúc đặc sản.

Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên có nghĩa là hồ nước yên bình do trời ban. Theo tiếng địa phương, “búng” nghĩa là hồ, đầm; “bình” trong bình yên; “thiên” là trời. Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam Bộ, một địa điểm du lịch An Giang ấn tượng mà bạn nên ghé một lần.
Điểm ấn tượng của Búng Bình Thiên chính là mặt nước trong xanh, êm ả mọi lúc, dù là mùa nước nổi khi có dòng nước đục đầy phù sa tràn về. Hãy đến Búng Bình Thiên mùa nước nổi để ngắm bông điên điển, lục bình phủ khắp, rải rác giữa mặt hồ là những nhà bè, lồng cá đặc trưng.

Làng người Chăm

Du lịch An Giang không chỉ có cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực phong phú mà còn có văn hóa đa dạng. An Giang là một trong những địa phương có cộng đồng người Chăm đông nhất Việt Nam.
Người Chăm ở An Giang đa số theo đạo Hồi nên còn được gọi là Chăm Islam. Bạn có thể đến thăm làng người Chăm ở hồ Búng Bình Thiên hay làng Chăm Châu Giang để tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng này.
Các thánh đường và tiểu thánh đường với tháp tròn, cổng vòng cung, tông màu trắng chủ đạo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những miếng vải, khăn choàng có hoa văn độc đáo, phản ánh văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

Thiền Viện Trúc Lâm An Giang

Thiền viện Trúc Lâm An Giang là công trình khá mới nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của du khách cũng như dân địa phương đến đây tham quan, vãn cảnh. Không chỉ là một công trình tâm linh, thiền viện Trúc Lâm An Giang còn sở hữu cảnh quan đẹp tựa tiên cảnh, với bốn bề non nước, mây trời. Cũng vì thế mà thiền viện được ví như vịnh Hạ Long ở vùng Thất Sơn.

Khu Du Lịch Núi Cấm An Giang

Khu du lịch Núi Cấm có tên đầy đủ là Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, nằm trong vùng Thất Sơn hùng vĩ. Khu du lịch nổi tiếng này kết hợp các dịch vụ nghỉ dưỡng, tâm linh, và vui chơi giải trí, đặc biệt là tuyến cáp treo hiện đại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu có dịp đến với An Giang, bạn sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên và khí hậu trong lành ở đây, mà trong đó, núi Cấm là một trong những nơi hứa hẹn đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Khu Du Lịch Núi Cô Tô An Giang

Nếu bạn nghĩ chỉ có đi Đà Lạt hay Sapa mới săn được mây thì đó là chưa ghé đến khu du lịch núi Cô Tô rồi. Từ một trong những đỉnh núi cao nhất An Giang, bạn sẽ choáng ngợp trước lượng mây dày đặc, bao phủ trắng xóa, che lấp cả huyện Tri Tôn.
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên thanh bình tại núi Cô Tô, bạn còn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người Khmer và được tham quan các công trường khai thác đá.

Ăn gì tại An Giang?

Bún cá Châu Đốc

Ở miền Tây, nhiều món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia. Trong khi nhiều loại bún đã được biến tấu theo khẩu vị địa phương thì bún cá Châu Đốc vẫn giữ được hương vị gần như nguyên bản.
Nước lèo của bún cá Châu Đốc được ninh từ xương ống, nêm với mắm cá linh và mắm ruốc; thêm ngải bún, nghệ giã nát. Cá lóc được làm sạch, luộc sơ với sả và củ nghệ đập dập, sau đó vớt ra, gỡ xương, ướp gia vị rồi xào với nghệ.
Bún cá Châu Đốc thơm mùi cá và nghệ, dùng chung với thịt heo quay, đầu cá, các loại rau sống đặc trưng của miền Tây như bông điên điển, bông súng, rau đắng, rau nhút, bắp chuối hột.

Cháo bò Tri Tôn

Cháo bò Tri Tôn là món cháo lỏng, dùng chung với thịt bò vùng Bảy Núi thơm, mềm, lòng bò gồm thú linh, lá sách, gan, phèo, tủy… được làm sạch, không tanh. Một tô cháo bò Tri Tôn gồm cháo, giá sống, thịt bò, lòng bò, cùng ít ngò gai cắt nhỏ.
Cháo bò Tri Tôn thường được dùng chung với rau om, húng quế, một ít nước trái chúc (một loại trái giống trái chanh nhưng vỏ xù xì hơn, có vị chua thanh). Một số thực khách ăn mạnh còn gọi thêm bún tươi hoặc bánh mì để ăn cùng cháo bò cho chắc bụng.

Cơm tấm Long Xuyên

Những tưởng cơm tấm là đặc sản Sài Gòn, nhưng Long Xuyên, An Giang lại có cách biến tấu món ăn này theo cách của mình. Điểm khác biệt đầu tiên là hạt cơm. Cơm tấm Long Xuyên nấu từ gạo tấm nhuyễn, hạt cơm khi chín chỉ nhỏ bằng một nửa hạt tấm thường.
Điểm khác tiếp theo là các món ăn kèm đa dạng hơn, đặc biệt là đều được cắt sợi nhỏ để dễ ăn. Sườn nướng, bì, thịt kho trứng, heo quay… cắt sợi nhỏ là những món ăn kèm phổ biến của cơm tấm Long Xuyên.

An Giang ở miền Tây Nam Bộ-Thế giới tự nhiên xanh
© Bản quyền tuyên bố

Bài liên quan

Chưa có bình luận

Chưa có bình luận...