Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

Giải trí1 tháng trước cập nhật Qing
22 0

‘Chị Tư Hậu’ – NSND Trà Giang – vui sống một mình, thích vẽ vời, kết giao bạn bè, tận hưởng thời gian còn sót lại của tuổi già.

Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

NSND Trà Giang là khách mời vinh dự tại sự kiện do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức. Ở tuổi 82, nữ nghệ sĩ luôn giữ phong thái thanh lịch, trẻ trung và tinh thần thoải mái.

Một mình nhưng không cô đơn

Nhiều năm qua, NSND Trà Giang sống tại căn hộ chung cư ở quận 3. Bà giữ thói quen xem phim dài tập đến tối muộn, thức dậy lúc 6 giờ sáng, bắt đầu ngày mới bằng việc tập thể dục, uống trà, ăn sáng rồi làm việc.

Nghệ sĩ chủ yếu dành thời gian cho hội họa. Nếu ngày nào không khỏe, bà nghỉ ngơi, xem tivi, gọi điện cho bạn bè tám chuyện. Khi có việc ra ngoài, bà đặt xe ôm công nghệ hoặc nhờ người đưa đón.

Trà Giang tự nhận là người hòa đồng, dễ kết giao. Dù ở một mình, bà không thấy cô đơn vì xung quanh luôn có mọi người hỗ trợ.

Bà có nhóm bạn cuối tuần tụ họp ăn uống, vui chơi. Họ thương quý nên chăm bà như người chị trong gia đình. Mỗi người hay nấu vài món ăn bỏ sẵn vào hộp, bà mang về trữ tủ lạnh, hâm nóng lại khi ăn. Do lớn tuổi, Trà Giang chỉ ăn các món đơn giản như: cá nướng, rau luộc, khoai bắp hấp… và hạn chế tối đa đồ chiên xào dầu mỡ.

Trà Giang thấy may mắn vì tuổi này còn minh mẫn, sức khỏe tốt hơn nhiều người. Mỗi tháng bà đều đến bệnh viện Thống Nhất thăm khám và nhận thuốc.

“Tôi có tý bệnh nọ, bệnh kia nhưng chưa nặng đến mức phải nằm viện. Sau lần ốm nặng cách đây mười mấy năm, từ đó đến nay trộm vía tôi chưa bao giờ lưu lại bệnh viện. Tuổi này vẫn khỏe mạnh là phước phần”, bà chia sẻ với VietNamNet.

Để có tâm thế an nhiên như lúc này, Trà Giang trải qua những tháng ngày buồn tủi mà bà gọi là “nốt trầm của cuộc đời”.

NSND Trà Giang từng có hôn nhân hạnh phúc bên Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Cả hai gặp nhau ở độ tuổi đôi mươi, chồng là tình đầu, cũng là tình cuối của bà. Trong ký ức, bạn đời là người bao dung, đức độ và thương Trà Giang hết lòng. Năm 1999, ông qua đời đột ngột vì bạo bệnh, bà đau buồn, cảm giác trống trải vây quanh suốt thời gian dài.

Ngần ấy năm trôi qua, sự cô quạnh trong bà nguôi ngoai phần nào. Song, hễ nhìn từng đồ vật, nơi chốn thân quen, nỗi nhớ chồng thỉnh thoảng lại nhói lên trong lòng.

Lâu dần nghệ sĩ tập chấp nhận nỗi buồn, đứng lên sau vài lần gục ngã. Bà tin dẫu cuộc sống thế nào cũng phải bằng lòng. Bởi nếu cứ day dứt, vùi đầu vào quá khứ mãi, người ta chỉ tự làm khổ bản thân.

Đã bao giờ bà thấy ngột ngạt, tủi thân vì thiếu vắng hơi người? NSND Trà Giang đáp đã chấp nhận thực tại, không buồn tủi.

Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

“Niềm vui của tôi lúc này đơn giản là sức khỏe. Tôi đã trọn trách nhiệm gia đình, phận sự xã hội nên không còn gì nuối tiếc. Thời gian còn lại là tôi được cho sống thêm, nên cứ sống sao cho tốt, tử tế”, bà chia sẻ.

Vợ chồng NSND Trà Giang có 1 con gái là nghệ sĩ piano Bích Trà. Từ năm 14 tuổi, Bích Trà đã sang Nga học tập và hiện là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở nước ngoài.

Nhiều lần con ngỏ ý mời nghệ sĩ sang sống chung nhưng Trà Giang không chịu. Bà thỉnh thoảng sang thăm con gái, ở lại vài ba tháng rồi sau đó lại về nước. Nghệ sĩ ưa sự tự do và nhất là không nỡ rời xa nơi chứa đầy kỷ niệm với người chồng quá cố.

Cứ cách 1-2 tháng, Bích Trà lại về nước làm việc kết hợp thăm mẹ. Ở xa nhà, con gái yên tâm phần nào khi thấy đấng sinh thành vui khỏe.

Nhiều người nghĩ hạnh phúc của người già là được quây quần con cháu, gia đình, còn Trà Giang hiểu điều này không có và không thể với hoàn cảnh của mình.

Hội họa cứu rỗi, khỏa lấp nỗi niềm

Khi nhắc về thời hoàng kim của nghề diễn viên, đôi mắt Trà Giang ánh lên niềm vui sướng. Giải nghệ từ năm 1989, nữ nghệ sĩ luôn khắc ghi ký ức về thời vàng son.

Sống bình lặng, Trà Giang luôn giữ ngọn lửa đam mê nghệ thuật. Nhiều năm qua, bà vẫn thường tham gia các lễ trao giải, kỳ liên hoan phim. Bà xem đây là dịp kết nối đồng nghiệp, thế hệ đàn em trong nghề, đồng thời “cho đỡ nhớ nghề”.

Nữ nghệ sĩ cho biết đã chủ động xin chụp hình cùng các diễn viên trẻ trên thảm đỏ Lễ trao giải Cánh diều 2023 để “về khoe bạn bè”.

Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

“Tôi cảm phục các em. Cùng nghề, tôi hiểu được các em đã cố gắng, nỗ lực ra sao để có phút giây thăng hoa trên màn ảnh. Phim ảnh mỗi thời mỗi khác, tôi tin các diễn viên tử tế đều đau đáu, mong muốn điện ảnh nước nhà phát triển”, bà nói.

Trà Giang quan niệm phim ảnh mỗi thời mỗi khác nên chuyện hay – dở xin phép không bàn đến. Bà chỉ buồn khi nhìn Hãng phim truyện Việt Nam – cái nôi của điện ảnh cách mạng – nay xuống cấp, đổ nát. Bà càng chạnh lòng khi nhìn lứa đạo diễn, diễn viên đồng trang lứa hầu như đã ra đi, số còn lại bệnh tật, lâm cảnh nghèo khó.

Gần 30 năm qua, Trà Giang có thêm niềm vui mới – hội họa. Từ suy nghĩ ban đầu dạo chơi, giờ đây bà đã có hàng trăm bức vẽ đủ thể loại, lấy cảm hứng từ phụ nữ, phim ảnh, vùng đất bà đã đi qua suốt thời tuổi trẻ.

Nghệ sĩ tếu táo bảo “vớ” được hội họa như thú vui cứu rỗi sau khi rời điện ảnh. Trà Giang không dám nhận là họa sĩ, chỉ xem mình là diễn viên vẽ. Dù vậy, đến nay bà có nhiều thành tích đáng tự hào qua 10 cuộc triển lãm nhóm, 4 cuộc triển lãm cá nhân.

Dịp đầu năm, bà gửi tặng bức tranh sơn dầu Lau trên đèo Vi ô lắc – lấy cảm hứng từ phong cảnh Quảng Ngãi – để bán đấu giá gây quỹ thiện nguyện, thu về 270 triệu đồng.

Với Trà Giang, hội họa từ lâu là người bạn, giúp bà giãi bày, tâm sự mỗi ngày để khỏa lấp đi nỗi niềm đôi khi khó cất thành lời.

Tổng kết cuộc đời hơn 80 năm, Trà Giang dùng 2 từ “mãn nguyện”. Vì nhìn đời, nhìn người qua con mắt lạc quan, nghệ sĩ tự thấy cuộc đời lúc này bình lặng, hạnh phúc.

Bà suy nghĩ tích cực, tìm niềm vui trong từng khoảnh khắc đời thường. Nghệ sĩ càng không lo nghĩ chuyện một ngày nằm xuống sẽ thế nào. Với bà, cuộc sống lúc này là đếm ngược nên cứ lo trọn cho hôm nay, không nghĩ chuyện tương lai.

“Cuộc đời mỗi người có số phận riêng, không được chọn lựa. Ta cứ tích cực, tự tạo niềm vui, hạnh phúc từ điều bình dị”, nghệ sĩ chiêm nghiệm.

NSND Trà Giang

Gia đình

Trà Giang (sinh ngày 11 tháng 12 năm 1942) là một diễn viên điện ảnh và người Việt Nam nổi tiếng trong thập niên 1960 đến 1980. Nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa V, VI, VII. Bà tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Trà Giang được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1984 và là diễn viên điện ảnh đầu tiên được phong tặng danh hiệu này.

Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

Nguyễn Thị Trà Giang sinh ngày 11 tháng 12 năm 1942 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Quê quán tại phường Nghĩa Lộ, thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Bố của bà là nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh (Khánh Cao) (1918–2012) – đạo diễn dân ca khu V. Trước lúc tập kết ra Bắc năm 1954, gia đình bà sống ở Bình Lâm (thuộc Bình Thuận). Bố của bà hoạt động cách mạng và đi công tác thường xuyên, lương của ông không đủ cho cuộc sống gia đình. Mẹ và bà ngoại Trà Giang phải làm bánh bán để kiếm thêm thu nhập. Năm 1954, theo gia đình các cán bộ miền Nam và đoàn dân khu V, Trà Giang cũng được đưa ra miền Bắc và theo học ở Trường Học sinh miền Nam.

Sự nghiệp

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, Trà Giang về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam. Bà chính thức có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp – chị Kiên trong bộ phim Một ngày đầu thu của đạo diễn Huy Vân, phim được hoàn thành và công chiếu ngay trong năm.

Năm 1963, Trà Giang đóng vai chính trong phim Chị Tư Hậu của đạo diễn Phạm Kỳ Nam–đạo diễn đầu tiên của miền Bắc Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Trong phim này Trà Giang đã thành công khắc họa được sự đau khổ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bộ phim đã được trao giải Bạc và huy chương Bạc cá nhân cho Trà Giang tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 3 năm 1963, giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 nhân kỷ niệm 20 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1972, Trà Giang hợp tác đạo diễn Hải Ninh trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đây là bộ phim truyện dài 2 tập đầu tiên của Việt Nam do Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất. Vai chính Dịu trong phim được bà thể hiện. Lúc này bà cùng họa sĩ Lê Minh Hiền, đạo diễn Bùi Đình Hạc, nhà quay phim Đoàn Quốc, và đạo diễn Hải Ninh đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Moskva. Năm 1973, bộ phim này được trình chiếu trong chương trình tranh giải của Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần thứ 8. Trà Giang đã đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim này. Phim cũng được giải của Hội đồng Hòa bình Thế giới.

Năm 1976, Trà Giang tham gia phim Ngày lễ Thánh của đạo diễn Bạch Diệp, cùng với phim Cô Nhíp của đạo diễn Khương Mễ.

Năm 1977, bà tiếp tục được diễn Hải Ninh mời tham gia phim Mối tình đầu với vai diễn Hai Lan, dựa theo nguyên mẫu nữ tình báo, nhà cách mạng Hoàng Thúy Lan.
Năm 1987, Trà Giang tiếp tục đóng hai vai diễn lớn trong bộ phim Hoàng Hoa Thám và bộ phim Huyền thoại về người mẹ.

Sau khi nghỉ đóng phim từ thập niên 1990, Trà Giang thử sức trong lĩnh vực hội họa và đã có triển lãm tranh vào năm 2004 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bà còn liên tiếp 7 lần là thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Nữ diễn viên đầu tiên được phong Nghệ sĩ Nhân dân tuổi 82 sống một mình, làm bạn với hội họa

Vinh danh

Năm 1984, Trà Giang là một trong năm nghệ sĩ điện ảnh được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt phong thưởng danh hiệu đầu tiên.Trà Giang cũng là diễn viên điện ảnh đầu tiên được trao tặng danh hiệu.

Bà cũng từng là Ủy viên trong Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” tại Việt Nam (Theo Quyết định số 118/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 11 tháng 5 năm 1982). Cùng với các đạo diễn, diễn viên gồm Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ngô Mạnh Lân, Phương Thanh, Hải Ninh, Thanh Tú, Nguyễn Hồng Sến, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Bạch Diệp, Lâm Tới bà có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2007, Trà Giang trở thành người đầu tiên được Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh “Thành tựu trọn đời”.

© Bản quyền tuyên bố

Bài liên quan

Chưa có bình luận

Chưa có bình luận...